BÀU SEN LỆ THỦY – HUYền THOẠI VỀ TẤM LÒNG NGAY THẲNG
Bàu Sen Lệ Thủy là một hồ nước ngọt nằm sát biển với những đồi cát trắng bao quanh thuộc xã Sen Thủy, tỉnh Quảng Bình như hồ Bàu Sen, Bàu Trắng ở Mũi Né – Phan Thiết. Bàu Sen nằm ngay quốc lộ 1A đoạn gần cuối địa bàn huyện Lệ Thủy, giáp với huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, rất thuận tiện cho du khách đến tham quan. Từ thành phố Đồng Hới bạn có thể đi theo QL1A cũ hoặc theo QL1A mới mà người dân nơi đây gọi là đường tránh lũ hay con đường cát trắng, khoảng 50 km là tới.
Người dân địa phương kể rằng, xưa kia, xung quanh bờ, sen ken dày đưa hương lan tỏa mặt hồ nên đặt tên Bàu Sen. Nhưng giờ đây hiếm thấy sen xuất hiện ở hồ. Chuyện về Bàu Sen luôn nhuốm màu huyền thoại.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Giáp Thân (1404) Hồ Hán Thương cho đào Kênh Sen để thuận đường vận chuyển binh lương vào Thuận Hóa nhưng “vì bùn cát đùn lên, khai không được”. Dấu tích Kênh Sen bắt đầu từ Lộc Bình, vòng qua quan lộ, đi vào Quán Cát, thông vào Bàu Sen, chảy qua Quán Bụt, Hạ Cờ (giáp giới Quảng Trị) thì chảy về hướng đông, rồi vòng hướng tây. Khi đào đến một cồn cát phía tây làng thì cát đùn lên không đào được, dân làng gọi vùng này là Quán Cụt hay còn gọi là Bàu Diêm Vương, nhà Hồ đành bỏ cuộc.
Năm 1448 vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, qua vùng này lại bắt dân sở tại tiếp tục đào sông. Tương truyền lý tưởng làng Thuỷ Liên, ông Mai Văn Bản đã quỳ xuống can vua. Vua giận, bắt ông đem chém tại Đèo Ngang. Về sau dân thương tiếc ông Mai Văn Bản đã lập miếu thờ ông gần đường cái quan. Vua Lê Thánh Tông nam chinh trở về, đến vùng Bàu Sen, thấy sông mới đào đã bị lấp. Ghe thuyền không đi được, có 20 thớt voi đến bờ kênh thì đứng ỳ lại, không chịu lội qua, phục ngà xuống đất mà rống lên. Dân trong vùng cho là do ông Mai Văn Bản bị hàm oan, Vua sai người cầu đảo và khấn rằng: “Nếu Văn Bản có thiêng thì nên cho voi qua sông, sẽ phong tặng”. Khấn xong đàn voi bèn qua sông. Sau đó Vua phong cho Văn Bản làm thần bản thổ và sai lập đền thờ, ấy là đền Mai Công đã được sử sách ghi lại. Ngoài cửa đền có đôi câu đối ghi rõ đức độ ông lí trưởng xưa:
“Nhất phiến trung can trùng ngự tượng
Thiên thu chính khí nghiêm kim cô.”
Dịch nghĩa:
“Một tấm lòng ngay thẳng , khiến cho voi vua phải dừng bước.
Nghìn thu chính khí làm cảm động cả mặt trời.”
Đền thờ Mai Văn Bản sử sách gọi là đền Mai Công, song dân làng thường gọi là miếu “Bão đài” có nghĩa là “bãi đào”. Do thời gian và chiến tranh tàn phá, ngôi đền thờ Mai Văn Bản ngày xưa không còn nữa nhưng đến năm 1993 dân làng Sen Thượng đã dựng lại một am thờ trên nền miếu cũ. Hàng năm đến ngày giỗ ông (25-10 âm lịch) dân làng thắp hương cúng vái để tưởng nhớ đến người xã trưởng đã dám xả thân vì dân vì nước.
Những thế kỉ sau, chúa Nguyễn Phúc Tần (1668), rồi vua Minh Mạng (1831), vua Tự Đức ( 1862) đều có nương theo dấu cũ họ Hồ mà đào lại sông, hoặc đào sông vòng lên trên để tránh cát lấp, nhưng đều không thành công.
Có truyền thuyết kể rằng Bàu Sen là hồ nước không đáy, có mạch ngầm thông với Bàu Tró ở Đồng Hới – cũng là một hồ nước ngọt, theo kiểu “bình thông nhau”. Bởi lẽ tuy nằm giữa những đồi cát trập trùng, nắng gió chang chang, không có nguồn nước đổ vào nhưng bàu lúc nào cũng đầy ắp nước. Thực ra, để lí giải cho việc bàu lúc nào cũng đầy ắp nước, các nhà khoa học cho rằng, nguồn nước ở đây là từ các đồi cát bao bọc quanh. Vào mùa mưa, cát ngấm no nước rồi lặng lẽ làm đầy mặt hồ suốt mùa hè đỏ lửa. Cứ thế mặt hồ luôn trong xanh, nước mát lạnh, xoa dịu cái nóng khắc nghiệt cho mảnh đất miền Trung.
Sau khi tham quan Bàu Sen bạn hãy thưởng thức ẩm thực Lệ Thủy nổi tiếng với món cháo cá Bàu Sen. Cá tươi vừa mới đánh bắt trong lòng hồ, được chế biến không cầu kỳ theo phong cách riêng đậm chất miền quê Lệ Thủy mặn mà, cay nồng. Tô cháo nóng hổi khiến người ăn phải vừa thổi vừa húp, đến toát mồ hôi mà vẫn xuýt xoa khi thưởng thức từng mảng cá trứng óng vàng trong bát. Gắp miếng cá nóng thơm, tận hưởng không khí mát mẻ khi gió Bàu Sen thổi lồng lộng bên hiên quán, chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng khó quên trong lòng du khách.
0 Nhận xét